Đầu tiên chúng ta tìm hiểu các bảng mã tiếng Việt
Vì những khó khăn kỹ thuật trong những năm trước đây, đã xuất hiện rất nhiều bảng mã tiếng Việt khác nhau và không tương thích với nhau. Chỉ sau khi unicode được sử dụng rộng rãi thì chuẩn tiếng Việt mới được quy về một mối. Mặc dù UniKey vẫn hỗ trợ các bảng mã cũ nhưng bạn nên sử dụng unicode trong mọi trường hợp, chỉ nên dùng các bảng mã khác khi không thể dùng unicode.
- Unicode: unicode dựng sẵn.
- Composed Unicode: unicode tổ hợp.
- ABC, VNI, VISCII, VPS, VIETWARE, BKHCM: Đây là các bảng mã cũ, dần dần sẽ không còn được dùng nữa.
- MS CP 1258: bảng mã tiếng Việt do Microsoft quy định. Nếu dùng bảng mã này trong các chương trình hỗ trợ unicode của Microsoft như Office, Outlook Express... thì nó cho cùng một kết quả như unicode tổ hợp.
- VIQR: Thực chất đây không phải là bảng mã mà chỉ là dạng thể hiện tiếng Việt dưới dạng "thô sơ" thông qua các ký tự chuẩn. Dạng này vẫn còn được dùng nhiều trong trao đổi email.
- UTF-8 Literal, NCR Decimal, NCR Hexadecimal: Đây thực chất là các dạng thể hiện khác nhau của Unicode dựng sẵn. Nếu bạn là người dùng bình thường và chưa nghe đến chúng thì nhiều khả năng bạn sẽ không bao giờ cần đến chúng. Các dạng này chủ yếu nhằm phục vụ những người soạn Web chuyên nghiệp khi chương trình soạn Web không cho phép soạn unicode trực tiếp. Hiện nay nhiều người dùng NCR Decimal trong chương trình Yahoo Chat để trao đổi tiếng Việt có dấu.
- X UTF-8: dạng đặc biệt để soạn unicode trong các chương trình vốn xuất xứ từ môi trường Unix, Linux như Emacs, gVim. Xem thêm trong mục 7 .
Các phương pháp gõ tiếng Việt
1. Nguyên tắc chung
Để gõ các chữ cái Việt có dấu bạn phải gõ chữ cái chính trước, sau đó gõ các dấu thanh, dấu mũ, dấu móc. Các kiểu gõ tiếng Việt khác nhau sẽ quy định các phím bấm khác nhau cho các dấu thanh, dấu mũ và dấu móc. Tuy bạn có thể gõ phím dấu ngay sau các chữ cái gốc, nhưng điều này dễ dẫn đến việc bỏ dấu không nhât quán. Ví dụ: chữ toán có thể được viết thành tóan. Với UniKey, bạn nên gõ dấu ở cuối từ và UniKey sẽ luôn tự động đặt dấu đúng vào chữ cái cần thiết.
Trạng thái chữ hoa, thường phụ thuộc vào trạng thái của các phím SHIFT và CAPS LOCK. Với các bảng mã 1 byte (TCVN 3, BK HCM1, VISCII, VPS), bạn phải dùng font chữ hoa mới có được chữ hoa có dấu. Với font chữ thường, bạn chỉ có thể gõ được các chữ hoa không đấu: Â, Ă, Ê, Ô, Ơ, Ư, Đ.
2. Kiểu gõ TELEX
Phím | Dấu |
---|---|
s | Sắc |
f | Huyền |
r | Hỏi |
x | Ngã |
j | Nặng |
z | Xoá dấu đã đặt. Ví dụ: toansz = toan |
w | Dấu trăng trong chữ ă, dấu móc trong các chữ ư, ơ. |
aa | â |
dd | đ |
ee | ê |
oo | ô |
[ | Gõ nhanh chữ ư |
] | Gõ nhanh chữ ơ |
Ví dụ:
tieengs Vieetj = tiếng Việt
dduwowngf = đường
Với các bảng mã có chữ hoa có dấu (Unicode, hoặc các bảng mã 2 byte) , bạn chỉ cần gõ chữ gốc là chữ hoa, còn các dấu thanh, dấu mũ có thể gõ phím chữ thường
Với các bảng mã 1 byte (TCVN 3, BK HCM1, VISCII, VPS), bạn phải dùng font chữ hoa mới có được chữ hoa có dấu. Nếu dùng font chữ thường, bạn chỉ có thể gõ được các chữ hoa không đấu: Â, Ă, Ê, Ô, Ơ, Ư, Đ.
Trong trường hợp bạn gõ sai dấu mà vẫn chưa di chuyển ra khỏi từ đang gõ thì có thể gõ đè dấu mới. Ví dụ: toanfs = toán, toansz = toan.
Bạn nên gõ phím dấu ở cuối từ để UniKey đặt dấu vào vị trí đúng chính tả tiếng Viêt. Ví dụ: để gõ chữ "hoàng", thay vì gõ hofang hay hoafng, hãy gõ hoangf.
3. Kiểu gõ VNI
Kiểu gõ VNI sử dụng các phím số để gõ chữ tiếng Việt.
Phím | Dấu |
---|---|
1 | sắc |
2 | huyền |
3 | hỏi |
4 | ngã |
5 | nặng |
6 | dấu mũ trong các chữ â, ê, ô |
7 | dấu móc trong các chữ ư, ơ |
8 | dấu trăng trong chữ ă |
d9 | chữ đ |
0 | xóa dấu thanh |
Ví dụ:
tie6ng1 Vie6t5 = tiếng Việtd9u7o7ng2 = đường
Bạn cũng có thể gõ các dấu mũ, móc, trăng ở cuối từ. Khi đó, có thể gõ: duong9772 = đường.
Với các bảng mã 1 byte (TCVN 3, BK HCM1, VISCII, VPS), bạn phải dùng font chữ hoa mới có được chữ hoa có dấu. Với font chữ thường, bạn chỉ có thể gõ được các chữ hoa không đấu: Â, Ă, Ê, Ô, Ơ, Ư, Đ.
Trong trường hợp bạn gõ sai dấu mà vẫn chưa di chuyển ra khỏi từ đang gõ thì có thể gõ đè dấu mới. Ví dụ: toan21 = toán, toan10 = toan
4. Kiểu gõ VIQR
Cần phân biệt kiểu gõ VIQR với bảng mã VIQR. Kiểu gõ là phương pháp bạn dùng để nhập các ký tự tiếng Việt, và độc lập với bảng mã. Bảng mã là cách thể hiện các ký tự tiếng Việt. Bạn có thể dùng kiểu gõ VIQR để nhập tiếng Việt cho các bảng mã (font) Unicode, VNI, TCVN... Ngược lại bạn cũng có thể gõ kiểu TELEX, hoặc VNI cho các bảng mã VIQR, Unicode...
Phím | Dấu |
---|---|
' (single quote) | sắc |
` (grave accent) | huyền |
? | hỏi |
~ (tilde) | ngã |
. (full stop) | nặng |
^ | dấu mũ trong các chữ â, ê, ô |
+ | dấu móc trong các chữ ư, ơ |
( | dấu trăng trong chữ ă |
dd | chữ đ |
0 | xóa dấu thanh |
\ | phím thoát dấu |
Ví dụ:
tie^’ng Vie^.t = tiếng Việtddu+o+`ng = ddu+o+ng` = đường
Bạn cũng có thể gõ các dấu mũ, móc, trăng ở cuối từ. Khi đó, có thể gõ: duongd++` = đường.
Với các bảng mã 1 byte (TCVN 3, BK HCM1, VISCII, VPS), bạn phải dùng font chữ hoa mới có được chữ hoa có dấu. Với font chữ thường, bạn chỉ có thể gõ được các chữ hoa không đấu: Â, Ă, Ê, Ô, Ơ, Ư, Đ.
Trong trường hợp bạn gõ sai dấu mà vẫn chưa di chuyển ra khỏi từ đang gõ thì có thể gõ đè dấu mới. Ví dụ: toan`' = toán, toan'0 = toan.
Để gõ các dấu hỏi, chấm mà không bị UniKey xử lý phím dấu, bạn có thể bấm phím thoát (\) trước khi bấm các phím đó. Ví dụ: tan? = tản, tan \ ? = tan?.
* Kiểu gõ VIQR*
Ngoài kiểu gõ VIQR chuẩn như định nghĩa ở trên, UniKey còn hỗ trợ kiểu gõ VIQR* trong đó phím * được thay cho phím + để gõ các dấu móc trong các chữ ư, ơ.
5. Dùng TELEX hoặc VNI để gõ tiếng Việt VIQR
VIQR (VIetnamese Quoted Readable) thực ra chỉ là một dạng thể hiển tượng trưng các chữ cái tiếng Việt chỉ bằng các kỹ tự trong bảng mã ASCII. VIQR hiện nay được dùng rất phổ biến trong việc trao đổi email, vì không cần thêm font tiếng Việt đặc biệt. Nhược điểm của VIQR là chữ tương đối khó đọc. Tuy VIQR không đòi hỏi bất cứ phần mềm bàn phím nào, nhưng với UniKey bạn có thể gõ TELEX hay VNI để được tiếng Việt VIQR. Như thế bạn sẽ không phải thay đổi thói quen gõ.
Để gõ được VIQR, chọn bảng mã VIQR trong bảng điều khiển hoặc trong menu.
Ví dụ:
- Gõ VIQR bằng TELEX: tieengs Vieetj = tie^'ng Vie^.t
- Gõ VIQR bằng VNI: tie6ng1 Vie6t5 = tie^'ng Vie^.t
6. Gõ tiếng Việt chung với các tiếng khác
Khi phải thường xuyên gõ tiếng Việt lẫn với tiếng Anh (hay một tiếng nào khác) có thể bạn sẽ cảm thấy bất tiện khi một số chữ tiếng Anh bị hiểu sai là dấu tiếng Việt. Để khắc phục điều này trong khi không phải thường xuyên chuyển đổi bật-tắt chế độ tiếng Việt bạn có thể dùng cơ chế gõ lặp dấu. Với cơ chế này, nếu ký từ nào bị hiểu là dấu tiếng Việt thì bạn chỉ cần gõ ký tự đó thêm một lần nữa thì UniKey sẽ khôi phục lại ký tự bạn cần.
Ví dụ:
Kiểu TELEX: WWindowws = Windows, hoặc guitarr = guitarKiểu VNI: e11 = e1
Bạn cũng có thể dùng phím CTRL để báo cho UniKey không bỏ dấu vào các chữ đã gõ trước đó.
Ví dụ:
Kiểu TELEX: a CTRL s k = askKiểu VNI: a CTRL 8 = a8
Sự tương thích giữa font chữ và bảng mã:
Mỗi bảng mã sẽ tương ứng với mỗi font chữ khác nhau, cụ thể như sau:
- Unicode: Times New Roman, Arial, Tomaho,...
- ABC: Các font bắt đầu bằng ".Vn"
- VNI Windows: Các font bắt đầu bằng "Vni-"
Post a Comment